Hương mùa vu lan

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không”. Ngày của Mẹ 10 tháng 5 (Mother's Day) Mẹ là suối nguồn yêu thương đã cho con sự sống thiêng liêng và niềm tin nhân quả ngọt ngào. Lòng con nao nao với niềm kính yêu vô hạn, mãi mãi trong đời con có mẹ. Mẹ là bầu trời cho con ánh sáng từ sự tinh khiết bao la, mẹ là làn mây che cho con ngày nắng rát. Mẹ là làn gió mát, là giọt mưa ngọt ngào, là hương hoa ngan ngát xoa dịu cuộc đời đầy gian truân khổ ải...
Hàng năm cứ vào độ trăng tròn - tháng Bảy âm lịch là ngày lễ Vu Lan. Vu Lan - Mùa báo hiếu cha mẹ. Đức Hiếu trung, lòng từ bi, hỉ xả như giúp con người sống tốt hơn. Dẫu biết rằng, không có người mẹ nghèo trong mỗi đứa con, chỉ có mẹ sớm hôm tần tảo, vậy mà đến bây giờ tôi vẫn chưa viết nổi một dòng cho mẹ trọn vẹn như tình thương mẹ giành cho tôi. Bởi lẽ tôi biết, dẫu ở đâu đi đâu trên trái đất này, mẹ vẫn luôn hiện hữu trong tôi, ánh mắt mẹ vẫn lo lắng, vui, buồn cùng những thành công hay khiếm khuyết của tôi, luôn dõi theo những bước chân tôi trên vạn nẻo đường đời... “…Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa….”. Khi nghe ca khúc "Bông hồng cài áo" ai ai trong chúng ta cũng sẽ dâng lên một cảm xúc khó tả… Thật nhiều cảm xúc bồi hồi về tuổi thơ được lớn lên trong vòng tay mẹ, nhớ lắm dáng mẹ tảo tần, thương lắm bàn tay mẹ chai sần, bón cơm, nâng giấc ngủ cho con. Đi qua thời vụng dại mới biết trăn trở khi để sầu vương lên đôi mắt giờ đã in hằn dấu vết thời gian của mẹ. Những ngày còn học ở Châu Âu, có lần nằm mơ thấy mẹ mất, tôi đã khóc, khóc nhiều lắm, khóc ướt cả gối - khóc trong mơ. Các bạn cùng phòng bị thức giấc và ngạc nhiên lắm khi thấy tôi khóc trong mơ. Ngày ấy đâu có phương tiện truyền thông hiện đại như ngày nay. Mỗi cánh thư đi, phải 30 đến 40 ngày sau mới có hồi âm. Phần vì xa nhà, phần vì thương con và muốn tôi yên tâm tập trung học hành cho tốt, Mẹ không cho tôi biết, cũng không đồng ý để Bố và các em cho tôi biết - Đó là ngày Mẹ nhận giấy báo tử Anh trai tôi sau bao nhiêu năm xa nhà đi kháng chiến, dẫu rằng đã lâu lắm không nhận được thư và tin của Anh từ mặt trận, cũng đã có nhiều nguồn tin không chính thức là anh tôi đã hy sinh. Nhưng với tình thương của Mẹ, với một hy vọng mong manh, Mẹ luôn động viên mấy anh em chúng tôi và nuôi trong lòng hy vọng rằng một ngày nào đó anh tôi sẽ trở về. Rồi đến ngày giải phóng, bao nhiêu người từ mặt trận trở về mà trong đó không có anh. Khi Bố tôi về hưu, Bố là người kín đáo và trầm tĩnh của một Bác sĩ quân đội - Người đã thấu hiểu cảnh đau thương mất mát trong chiến tranh. Bố không nói mà chỉ âm thầm động viên mẹ, chăm lo cho mẹ và các con. Còn mẹ, mẹ không muốn ai phải buồn lây. Hằng ngày mẹ vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường như bao người khác. Nhưng khi màn đêm buông xuống, đợi cho các con ngủ yên, Mẹ tôi lầm lũi một mình mang một nắm hương ra nghĩa trang, mộ nào cũng thắp như muốn gửi gắm một tâm tư của người mẹ khi con mình ra đi mà không thấy ngày trở lại, như thể dưới những nấm mộ kia có chút di vật của đứa con trai yêu quý mà mẹ đã dứt ruột mang nặng đẻ đau với bao công chăm bẵm, bú mớm nâng niu. Bố thương mẹ lắm, nhưng không cản được, đành lặng lẽ theo sau. Ôi,… Mẹ, Mẹ của tôi. Tương lai và sự thành đạt của chúng tôi là công trình của Mẹ, tất cả là do Mẹ, nhờ tình yêu lớn lao của Mẹ. Ngày Vu Lan, được cài bông hoa màu hồng trên áo. Ta thấy mình hạnh phúc xiết bao. Rằng ta vẫn còn có nơi chốn đi về sau những lo toan bộn bề của cuộc sống, vẫn còn được sà vào lòng mẹ mà nũng nịu, vòi vĩnh,... rồi khóc, cười cho thỏa. Mẹ luôn lắng nghe, chia sẻ mà không cần nhận lại bất cứ điều gì. Ngày Vu Lan, không ít màu hoa trắng quanh quẩn đâu đây, những khuôn mặt đượm buồn, những giọt nước mắt… Xót thương cho những ai không còn Mẹ. Từ trong tâm thức tất cả đều cầu chúc Mẹ được an lành, cầu chúc đôi mắt Mẹ không còn vương sầu, cầu chúc màu hồng trên áo sẽ mãi là màu hồng. Cầu mong 365 ngày trong năm ngày nào cũng là ngày Vu Lan của những ai đang còn có Mẹ. Những ai còn hạnh phúc cài bông hồng đỏ trên ngực áo mùa Vu lan, xin hãy yêu quý cha mẹ, hãy gìn giữ, nâng niu cha mẹ như báu vật. Đừng để khi cha mẹ không còn, mới khóc than, sầu muộn. Khi đó thì đã quá muộn rồi. Như dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ. Một Mùa Vu Lan nữa sắp đến, mùa của rộn ràng yêu thương, mùa của tri ân xum vầy.

Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ. Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến : Năm xưa tôi còn nhỏ Mẹ tôi đã qua đời ! Lần đầu tiên tôi hiểu Thân phận trẻ mồ côi. Quanh tôi ai cũng khóc Im lặng tôi sầu thôi Ðể dòng nước mắt chảy Là bớt khổ đi rồi... Hoàng hôn phủ trên mộ Chuông chùa nhẹ rơi rơi Tôi thấy tôi mất mẹ Mất cả một bầu trời. Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức : Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một, như đường mía lau. Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra . Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương. Ðạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Ðạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước. Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Ðừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Ðòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Ðể mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Ðể khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!" Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng. Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Ðó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa! Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Ðể mai này anh chị đừng có than thở rằng: Ðời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ. Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Ðáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên bỏ mẹ mà đi mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau. Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Ðể chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi. Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ. Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi. 
Vu Lan Khoảng rằm tháng 7, một mùa lễ Phật giáo được tổ chức khắp Đông Nam Á. Ở Nhật gọi là lễ Obon お盆. Chữ Bon này là tức là Urabon, do Nhật phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana; Trung Quốc phiên âm từ Phạn ra Hán là Vu Lan Bồn 盂蘭盆 hoặc Ô Lam Bà Na 烏藍婆拏; Việt Nam gọi tắt là Vu Lan 盂蘭. Nhiều người hiểu chữ Bồn theo âm Hán Việt, nghĩa là cái bồn, cái chậu, mà không ngờ đây chỉ là mượn âm Hán để phiên âm tiếng Phạn (Sanskrit) chứ nó không liên quan gì đến ý nghĩa nói trên. Sự ngộ nhận của nhiều người là vì mùa lễ này tín đồ cúng dường Tam Bảo để cầu nguyện vong linh thân nhân được siêu thoát. Cái bồn là vật đựng thức ăn cúng dường. Nếu hiểu trại như vậy (Vu: cái bát; Bồn: cái chậu) thì không ai giải thích được chữ Lan nghĩa là gì trong ngữ cảnh này (mặc dù nghĩa thông thường là hoa lan). Do đó, để hiểu đúng thuật ngữ này ta phải quay về gốc tiếng Phạn của nó. Ullambana có nghĩa là treo ngược, ngụ ý sự thống khổ của các vong linh đói khát bị đọa đầy (bị treo ngược) nơi địa ngục. Sự cúng dường Tam Bảo đây cũng là nhân dịp kết thúc mùa An cư 安居 (Vārşika), tức là ba tháng mùa mưa từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 để tăng ni tu học, niệm kinh và tham thiền liên tục trong tự viện, không bước ra ngoài. Tại Việt nam, Phật giáo Bắc Tông tổ chức mùa An cư từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (giống như ở Nhật và Trung Quốc) và Phật giáo Nam Tông tổ chức từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9. Mùa này cũng gọi là Kiết hạ, Trung Quốc gọi là Tọa hạ 坐夏, Nhật cũng gọi là An cư 安居 (Ango), Tọa hạ 坐夏 (Zage). Như vậy cuối mùa An cư kiết hạ là lễ Vu Lan. Chính thức là rằm tháng 7, nhưng đa số các chùa Bắc Tông đã tổ chức từ mồng một lễ tụng Kinh Vu Lan và từ rằm đến cuối tháng thì lễ tụng kinh Địa Tạng. Bên chùa Nam Tông thì khác, chủ yếu là tổ chức giảng giáo lý lấy ra từ Tạng Kinh, chứ không tổ chức lễ Vu Lan, không sử dụng Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng, v.v. như Bắc Tông. Kinh Vu Lan (tức Vu Lan Bồn kinh 盂蘭盆經: Ullambana-sūtra) thường bị ngộ nhận là do Phật Thích Ca (Sākyamuni) viết. Kinh này đầu tiên được Trúc Pháp Lan 竺法蘭 (Dharmarakşa, 266-317) dịch từ Phạn văn sang Hán văn. Các lễ tụng kinh này mãi đến thời Lương Vũ Đế 梁武帝 (tại vị 502-549) mới phổ biến. Có thuyết khác cho rằng Kinh này được biên soạn tại Trung Quốc. Tập quán cúng dường Tam Bảo để độ rỗi vong linh đói khát nơi địa ngục không rõ bắt nguồn tự bao giờ, nhưng người ta hay liên hệ đến câu chuyện Mục Kiền Liên 目犍連 (Maudgalyāyana), một đệ tử của Phật Thích Ca, hỏi Ngài cách cứu độ mẹ ông hiện là quỷ đói (preta) nơi địa ngục. Phật bảo muốn thế thì phải cầu sự hộ trì của thập phương chúng hội 十方眾會 (tức là tăng lữ). Đó là nguyên do của Vu Lan Bồn kinh. Như vậy Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc đã pha trộn với tín ngưỡng gia tiên (ancestor worship) bản địa mà hình thành phong tục cúng dường để độ rỗi vong linh gia tiên bảy đời đang đói khát, đồng thời người ta cũng cúng tế thực phẩm và đốt y phục giấy cho vong linh của thân nhân. Lễ Vu Lan rất phổ biến tại Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam. Tại Nhật, cuối mùa Vu Lan, trên các ngọn núi người ta đốt các ngọn lửa xếp thành chữ Hán như chữ đại 大, diệu 妙, pháp 法, v.v. xem như là những ngọn lửa dẫn đường các vong linh trở về cõi âm. Việc cúng dường cầu xin cho cha mẹ và tổ tiên đã khuất được siêu thoát đã toát ra nét đẹp rất văn hóa và nhân bản của Vu Lan, bởi vì mùa Vu Lan cũng được xem là mùa báo hiếu. Trong nền đạo đức Đông phương, hiếu là đức hạnh đứng đầu trăm hạnh khác (Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên 人生百行孝為先). Chữ hiếu 孝 đã xuất hiện tại Trung Quốc từ thời xa xưa. Những mảnh xương và mai rùa (giáp cốt 甲骨) thời Ân-Thương 殷商 ghi chép lời bói (bốc từ 卜辭) đã có ghi khắc chữ hiếu (theo dạng giáp cốt văn). Hứa Thận 許慎 thời Đông Hán giải thích chữ hiếu 孝 trong Thuyết Văn Giải Tự 說文解字 là: Khéo phụng sự cha mẹ, chữ hiếu 孝 gồm chữ lão 老 (người già; bị lược nét 匕) và chữ tử 子 (con). Ý nói con cái vâng lời cha mẹ già (Thiện sự phụ mẫu giả. Tòng lão tỉnh, tòng tử. Tử thừa lão dã 善事父母者, 从老省, 从子.子承老也). Như vậy hiếu là nét văn hóa có sẵn tại Trung Quốc lâu đời, trước khi Trung Quốc tiếp thu Phật giáo Ấn Độ. Cách nói thông thường của người Trung Quốc «Dưỡng nhi phòng lão» 養兒防老 (nuôi con để trông cậy lúc tuổi già) đã thể hiện khát vọng chung của các bậc cha mẹ trên thế gian. Đó cũng là mục tiêu cơ bản của giáo dục tại Trung Quốc ngày xưa. Chữ giáo 教 (từ tố giáo trong giáo dục 教育 và tôn giáo 宗教) nghĩa là dạy bảo. Thuyết Văn Giải Tự giảng: Người trên thi hành cho kẻ dưới bắt chước (Thượng sở thi hạ sở hiệu dã 上所施下所效也). Phân tích chữ giáo 教, ta thấy chữ này gồm chữ hiếu 孝 ghép với bộ phộc 攴 (đánh khẽ), ý nói dạy bảo cho người ta đạo hiếu (nếu cần, cũng nên có roi vọt: phộc). Do đó mục tiêu của giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức (trí dục) mà còn phải dạy cho người ta đạo đức (đức dục), mà trong đức dục thì điều quan trọng nhất là dạy cho con người biết kính yêu phụng dưỡng cha mẹ và tri ân tổ tiên nguồn cội. Một tôn giáo hay một hệ giáo dục nếu bỏ qua yếu tố này sẽ là một thực thể phi nhân bản. Tam giáo Đông phương đều coi trọng đạo hiếu. Trường A Hàm Kinh 長阿含經 (quyển 11), các chiếu thư khắc trên đá (số 2 và số 4) của A Dục Vương 阿育王 (Aśoka, tại vị khoảng 274-237 tcn), v.v. đều nhấn mạnh sự hành thiện mà quan trọng nhất là kính yêu, vâng lời, và phụng dưỡng cha mẹ. Nho giáo càng đề cao đạo hiếu qua các kinh điển như: Hiếu Kinh 孝經, Thượng Thư 尚書, Tả Truyện 左傳, Lễ Ký 禮記, Thi Kinh 詩經, Tứ Thư 四書, v.v. Giáo dục con trẻ (tức là khải mông 啟蒙) phải lấy đạo hiếu làm nền và điều này thấy rõ trong các tác phẩm dạy trẻ như: Tam Tự Kinh 三字經, Ấu Học Quỳnh Lâm 幼學瓊林, Tiểu Học 小學, Đệ Tử Quy 弟子規, Tiểu Nhi Ngữ 小兒語, v.v. Đạo giáo tuy tôn chỉ là tu luyện thành tiên (gọi là tiên đạo 仙道) nhưng không coi thường nhân đạo 人道 bởi lẽ đơn giản: làm người còn chưa xong lẽ nào thành tiên cho được? Trong nhân đạo thì trung và hiếu là trên hết, và đó cũng là gốc rễ của Đạo giáo như đạo gia Lý Thúc Hoàn 李叔還 nói: «Đạo giáo lấy trung hiếu làm gốc, lấy kính trọng Trời-noi theo pháp tắc tổ tiên- gây lợi cho vật-cứu giúp người mà làm nhiệm vụ.» (Đạo giáo thị dĩ trung hiếu vi bản, dĩ kính thiên pháp tổ lợi vật tế nhân vi vụ 道教是以忠孝為本以敬天法祖利物濟人為務). Vì thế có giáo phái của Đạo giáo là Tịnh Minh Đạo 淨明道 lấy Trung Hiếu làm tôn chỉ nên còn gọi là Tịnh Minh Trung Hiếu Đạo 淨明忠孝道 (hưng khởi ở Nam Xương 南昌 Tây Sơn 西山, vào giữa đời Tống và đời Nguyên, thờ Hứa Tốn 許遜 làm tổ sư). Các kinh điển Đạo giáo từ Thái Bình Kinh 太平經 đời Hán cho đến Bão Phác Tử Nội Thiên 抱朴子內篇 đời Tấn và cả những sách khuyến thiện (gọi là thiện thư 善書) của Đạo giáo như Cảm Ứng Thiên 感應篇, Âm Chất Văn 陰騭文, Công Quá Cách 功過格, v.v. đều giảng dạy về đạo hiếu. Xem thế, truyền thống đạo đức Đông phương (gồm những quy luật đạo đức phổ quát dân gian dung hợp với quy luật đạo đức tam giáo Nho, Thích, Đạo) đều coi trọng đạo hiếu. Cho nên mùa Vu Lan không chỉ dành riêng tăng ni và Phật tử tại gia mà còn dành cho tất cả mọi người có dịp nhìn lại bản thân: Cảm nhận thâm ân dưỡng dục của cha mẹ và ân đức khải đạo của tổ tiên; xót thương vong linh thân nhân đang đói lạnh; hành thiện để hồi hướng cho cửu huyền thất tổ được siêu thoát; và nhất là tận tâm phụng dưỡng cha mẹ chu đáo khi cha mẹ còn tại thế. Nhân mùa Vu Lan, nêu lại vấn đề đạo hiếu là một điều thiết thực, và đạo hiếu được thể hiện không chỉ trong một mùa, mà phải thể hiện suốt cả đời. Một gia đình đề cao đạo hiếu tức là gia đình đó trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, là một thành trì ngăn cản mọi tệ nạn của xã hội. Như Hiếu Kinh đã nói, để thể hiện đạo hiếu người ta phải lập thân (nếu không thể tự nuôi thân, lấy gì nuôi cha mẹ?), làm những việc tốt đẹp cho đời để rạng rỡ mẹ cha và gia tiên. Xã hội hiện nay bước dần theo xu hướng đa văn hóa và toàn cầu hoá. Để khỏi lạc nẻo, những người con phải ý thức mình đang đứng ở đâu và làm gì. Những gì đã và đang làm có tác hại gì đến danh dự cha mẹ, tổ tiên, có tác hại xã hội hay không? Sự tự vấn để răn mình này tăng cường ý thức công dân, giúp xã hội thêm lành mạnh.
Những bài thơ ca tụng bằng tiếng Anh: Hương mùa Vu Lan

Buồn

Bạn biết không, các nhà tâm lý bảo rằng: chứng u sầu và chán nản có thể xâm chiếm cõi lòng người ta với một nhịp điệu đều đặn. Với tuổi của bạn, có những nỗi buồn vu vơ, buồn vì mình không hiểu mình, buồn vì không ai có thể hiểu mình, và đúng hơn, buồn vì mình không biết mở lòng với ai . Nhưng cũng có những nỗi buồn vì bạn không biết quản lý thời gian của bạn để nó sinh hoa trái . Sau cuộc nghiên cứu tại một ngôi trường bên Âu Châu, một nhà tâm lý đã ghi nhận: sự buồn chán và suy nhược thường dễ xảy ra vào nửa giờ đầu và nửa giờ cuối mỗi ngày, nó mãnh liệt hơn vào ngày thứ hai trong tuần. Bạn có biết tại sao không?
Don Bosco, nhà giáo dục thanh thiếu niên nổi tiếng thế giới vẫn thường nói với học sinh của ông rằng: "Nhàn rỗi là mảnh đất phì nhiêu để cây nấm đen của u sầu phát triển". Vì thế, khi cảm thấy buồn, bạn hãy làm bất cứ điều gì tốt đẹp cho bạn hay cho người khác. Bạn có thể tham gia những môn giải trí lành mạnh hay giúp đỡ ba mẹ công việc nhà. Hãy tránh cô đơn và nhàn rỗi . Nếu bạn nhàn rỗi thì đừng ở cô đơn, nếu bạn ở cô đơn thì đừng sống nhàn rỗi . Đối với những bạn gia đình khá giả ổn định về kinh tế có người giúp việc trong nhà, các bạn cũng nên tự thử thách mình. Hãy tạo điều kiện để ý chí của bạn được phát triển song song với thân thể của mình, như thế nhân cách của bạn mới được quân bình. Các bạn "con nhà giàu" hãy tự phục vụ cho mình, tập sống lao động như mọi người, chọn lối sống đơn giản tự nhiên để tuổi mới lớn của bạn mãi dễ thương trong sáng.
Phạm Thị Oanh (Chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục)
Hôm nay, mình buồn quá, tâm trạng chẳng vui tí nào, sáng thức dậy có chút hơi mệt mỏi sau đêm qua ăn chơi với đám bạn. Rồi lại nghĩ, hiện giờ mình chưa có việc làm thêm thôi thì về nhà, nhưng về nhà mà mẹ không cho về thì cũng như không, mình, mình liền cầm điện thoại lên ngay sau khi mình mở mắt thức dậy, gọi 1 cuộc điện thoại về nhà, hỏi mẹ con có được về nhà không hay là ở lại làm thêm, hiện con chưa có việc làm...chẳng nghe rõ mẹ nói thế nào, vì khác mạng điện thoại chẳng nghe rõ...chưa nói xong mẹ đã cúp máy mất tiu. Buồn, buồn, buồn quá! Tại sao mình lại yếu đuối thế này vậy nhỉ? Mình cần 1 người thân bên cạnh cho mình 1 lời khuyên, 1 lời khuyên để ủng hộ tinh thần của mình. Chỉ cần 1 lời động viên thôi ! 
Buồn quá, mình lên mạng lướt net, đọc tin tức rồi ngồi search ra bài hát "Gloomy sunday", nghe cái tựa đề phù hợp với tâm trạng, nhưng lời bài hát chẳng phù hợp với mình, nghe mà thêm sợ hãi. Tại vì giọng hát nghe hơi ghê ghê...Thôi nghe Lương Tịnh Như hát đi, cho đỡ buồn...
Bạn mình nói đúng, cứ suốt ngày ngồi nói, ngồi than thở thì chẳng được gì! Cứ mỗi lần tìm được thì chê bai, còn không tìm được thì than thở, chê bai. Đúng là chỉ biết nghĩ, nói mà không biết làm. Chán càng thêm chán!

Mỗi khi bạn buồn bạn thường khóc không biết là có phải không ! Bởi là con người thì ai cũng có nỗi buồn riêng cho mình. Theo tôi nghĩ khóc cũng là hiện tự nhiên thôi, buồn thì khóc vui thì cười. Vậy mà có người nói khóc là nhu nhược, buồn là yếu đuối nêu không khóc làm sao giải toả nổi buồn đây. Đừng tự lừa dối mình nữa vì đôi khi bạn khóc nỗi buồn sẽ dần vơi đi và đến khi nghĩ về nó, nó lại là một kỉ niệm khắc tim trong bạn.
Thật sự thì, tôi đã không khóc 1 năm nay rồi! Nhớ lại 2 năm trước, sau sự cố ba ra đi mãi mãi, tôi đã không khóc trong những ngày làm lễ tang ba, tôi không tài nào khóc được vì điều ấy quá shock đối với tôi. Mãi cho đến khi tôi cãi lời mẹ, không nghe lời mẹ học ở gần nhà mà quyết định chọn 1 ngôi trường cách nhà gần 200km, nói ra là ở tỉnh khác, lên SG học...suốt thời gian tôi không nghe theo lời mẹ, cãi lời mẹ, nói với mẹ rằng tôi thích học ở đó, không thích học gần nhà, tôi đã khóc, tôi đã khóc rất nhiều...Từ lúc đó đến nay, đã 1 năm rồi tôi đã không khóc. Cố gắng học, đã 1 năm trôi qua, đến giờ đã trải qua 3 học kì. Về nhà mấy lần, nhưng lần nào cũng buồn, cũng chỉ biết chơi 1 mình vì ở nhà ai cũng bận công việc của mình, những lúc buồn ấy chẳng biết đi đâu, chỉ biết loay hoay ở nhà chơi với mấy con cún...Tôi cảm thấy cuộc sống của mình quá ảm đạm, và nhiều lúc buồn lắm, nhưng tôi chẳng biết làm sao cả. Muốn nói lên tâm sự của mình với người thân, nhưng ít lắm, tôi chỉ có thể nghe họ giải bày tâm sự của họ thôi, tôi chẳng muốn nói lên tâm sự của mình cho họ biết, tôi không muốn họ buồn thêm, vì cuộc sống vất vả của họ cũng đủ làm họ mệt mỏi rồi...Chán quá!
Nhiều người bạn của tôi, sau khi nghe tâm sự của tôi, họ nói tôi thật "giỏi", thật "mạnh mẽ", họ nói nếu họ mà giống tôi thì họ đã chuyển sang đi làm rồi, không học nữa, đi làm để kiếm tiền...Tôi biết cuộc sống gđ tôi khó khăn, nhưng tôi biết làm sao đây, tôi chỉ biết nghĩ là "Mình cần phải học, học là con đường tiến thân lớn nhất". Tôi cũng muốn đi làm lắm, nhưng tôi là người vụng về, biết làm gì bây giờ, có lẽ thói quen đi học của tôi đã ăn sâu vào con người tôi rồi, nên tôi chẳng biết làm gì ngoài học. Tôi biết nhiều người sẽ nghĩ tôi "làm biếng" và "vô dụng", tôi biết như thế, nhưng tôi biết phải làm sao....


Buồn, lúc nào cũng tôi cũng buồn, một cảm giác chán nản, không lối thoát. Mỗi ngày thức dậy tôi đều tự hỏi hôm nay sẽ làm gì, sẽ gặp chuyện gì đây, có tệ hơn ngày hôm qua không. Và sợ, tôi sợ mọi thứ, sợ việc mình làm hôm nay sẽ tệ hơn hôm qua. Và cuộc sống cứ vậy trôi qua, tẻ nhạt và bi quan, không hiểu nổi. Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa xác định được mục đích của cuộc đời, hằng ngày đi làm , rồi lại về nhà, chán phải gặp bạn bè, vì chẳng khi nào tâm sự được , tôi ngại hay nói đúng hơn là sợ nói cho họ biết về nỗi buồn của mình, buồn vì sống không mục đích, sống không niềm tin vào cuộc đời này, thậm chí cảm thấy ghét mọi thứ , ghét cả bản thân hèn nhát của mình…Một ngày trôi qua chậm chạp và vô vị, một cảm giác cô đơn đến tội nghiệp.

Sponsor