Chuyện mùa Đông và những người nhặt tìm cuộc sống

Bàn tay em thâm tím lại vì cái rét mướt đang "luồn trong gió" không ngừng hất từng đống rác để tìm kiếm. Em tìm gì trong những đồ phế thải hôi tanh, bẩn thỉu?! Em đang tìm cuộc sống.

Dạo qua những con phố thêng thang, từng làn gió lạnh buốt run rẩy mơn trớn, ánh lửa và đụn khói nghi ngút toả ra từ vô số các quán ăn lề đường cùng mùi thơm nức ngào ngạt. Mùa đông đã về trên từng nhánh cây khẳng khiu gầy guộc, trên từng con đường man mác ánh trăng ngà lạnh lẽo, trên từng hơi thở phả sương của khách qua đường...Chợt nhớ tới mấy câu thơ của Xuân Diệu:

Trong khung xám của mùa đông bằng sắt

Gió qua rồi còn lưu lại tiếng ngân

Cây bên đường đứng trụi lá, tần ngần

Khắp xương nhánh chuyển một luồng tê tái

Và giữa vườn im, hoa run sợ hãi

Bao nỗi pha phôi, khô héo, rụng rời

Người ta thường nói "mùa đông ấm áp" có phải bởi những bếp lửa bập bùng của quán khách đêm, bởi những vòng tay yêu thương để tăng thêm hơi ấm của con người, bởi những cuộc sum họp cuối năm của bạn bè, người thân trong ngày tết?! Nhưng, đây đó trong nhiều ánh nhìn vẫn có những "mùa đông giá buốt".

Đó là em, một cô bé trạc 9 tuổi, khoác hững hờ một chiếc áo gió đã bạc màu và sờn rách bên ngoài một chiếc sơ mi mỏng manh không còn rõ màu. Đôi bàn chân em để mặc sương gió lạnh buốt, bụi cát mịt mù bao phủ đang nhanh nhẹn lướt qua từng góc phố không một phút nghỉ ngơi. Bàn tay em thâm tím lại vì cái rét mướt đang "luồn trong gió" không ngừng hất từng đống rác để tìm kiếm. Em tìm gì trong những đồ phế thải hôi tanh, bẩn thỉu?! À, đúng rồi em đang tìm cuộc sống.

Không biết sự cần mẫn mưu sinh có làm em quên rằng mùa đông đã về đó?! Trong đôi mắt nhàn nhạt trên khuôn mặt tái đi lem luốc, tôi hiểu em nói rằng "mùa đông lạnh lắm".
Còn những mảnh đời cơ cực lầm lũi trong giá rét đêm đông
Mùa đông không ấm áp như tiếng nói cười ríu rít của những cặp đôi đang xoay từng bắp ngô nướng, như ánh sáng đang hắt ra từ từng khung cửa sổ của những gia đình đang sum vầy bên mâm cơm tối. Em vẫn đi, cái bóng gầy guộc bé nhỏ khuất dần trong ngõ tối, tưởng như một làn hơi đang tan trong sương đêm và gió rít...

Đó là một cụ già, trăm ngày như một, ngồi bên gốc cây cạnh đường làm nghề bơm vá. Đồ nghề của cụ chỉ có một chiếc bơm cũ kỹ, một cái hộp sắt gỉ đựng vài cái xăm, một cái búa và một cái tuavit. Nhìn nhân dáng và khuôn mặt ta có thể đoán cụ có thể đã sống hơn hai phần ba thế kỷ, vậy mà đôi bàn tay run rẩy vẫn đang phải gắng sức lao động để có thể tồn tại. Cụ gầy lắm, cái lạnh mùa đông dường như càng làm da thịt cụ sắt se lại trong từng nhịp di chuyển rất chậm chạp, với đôi mắt vời vợi mênh mang trên khuôn mặt đã khánh kiệt bởi thời gian.

Nếu ai đó qua đường có mảy may chú ý tới cụ chắc sẽ cảm thấy ái ngại và tự hỏi liệu có khách "dám" nhờ cụ vá xe hỏng, và có lần, chính một vị khách đã phải tự vá xe thủng lốp của mình thay chủ.

Gió bấc tràn về, nhưng cụ vẫn mặc một chiếc quần lửng sờn màu để mặc đôi chân trần khẳng khiu như nhánh cây khô đang run trong rét mướt, vẫn chỉ một chiếc bu dông mỏng tang chắc chắn không thể sưởi ấm trái tim đã kiệt sức vì tuổi già. Mặc gió táp từng hồi, mặc dòng người nói cười rộn rã xúng xính áo này quần nọ, cụ vẫn ngồi bất động như đang chờ đang đợi, khuôn mặt không vui không buồn, ánh mắt hướng về tận nơi nào đó rất xa và rất xa...

Và đó là biết bao số phận lang thang khi hàng đêm vẫn trải những mảnh áo mưa tả tơi trên vỉa hè hoặc dưới mái hiên đã tắt đèn với sự cố gắng tránh đợt gió bấc tê buốt được chút nào hay chút ấy. Có lẽ nhiều người trong số họ sẽ nhiễm bệnh và ra đi khi không chống chọi được với cái lạnh khắc nghiệt này. Có hề chi khi hàng ngày dòng người xe cộ tấp nập vẫn hờ hững lướt qua bởi nhân dáng của những số phận lang thang tồn tại như sương như khói. Họ cố tồn tại cũng chỉ để hết kiếp người mà thôi!

Mùa đông ấm áp dịu hiền nơi bếp lửa hồng đun nồi cơm tối cho một cuộc sum họp gia đình, nơi căn phòng đầy ánh sáng của đèn điện, của tivi và của tiếng nói cười rộn rã, nơi vòng tay yêu thương trìu mến của những người thân, bạn bè đoàn tụ. Nhưng mùa động lạnh giá nơi ngõ phố tối tăm có tiếng khua leng keng tìm cuộc sống, nơi các vỉa hè mờ mịt sương đêm vẳng tiếng thở dài của gió bấc...

Đêm lạnh


Ông Dư gọi điện thoại mời tôi về quê, chứng kiến lễ khánh thành cây cầu do công ty của ông ấy tài trợ.

- Anh có thể mang theo một tay quay phim? - Ông Dư nói.

- Chúng tôi đi nhờ xe của anh được chứ?

- Được! Nhưng một mình anh thôi!

- Thế còn cậu quay phim?

- Bảo nó đi xe đò! - Dư trả lời với một giọng khô khan, lạnh lùng.

Tôi vẫn biết ông Dư chẳng bao giờ cho nhân viên cấp dưới, hoặc những người địa vị thấp kém hơn mình ngồi vào chiếc xe Mercedes 500 sang trọng.

- Thôi được! Tôi sẽ nói cậu quay phim đi Honda.

Tôi vội vàng mặc quần áo và chạy đến văn phòng công ty Ánh Dương, nơi ông Dư đang làm Tổng giám đốc, sau khi động viên anh quay phim chịu khó đi xe đò hoặc xe máy.

- Không sao! - Anh quay phim nói - Cháu quá biết tính ông Dư.

Chiếc Mercedes đen bóng đang đậu dưới sân tòa nhà mười một tầng, trụ sở công ty Ánh Dương. Trước kia đây là ngôi biệt thự rất đẹp và vững chắc, xây theo kiểu Pháp. Những người tiền nhiệm ông Dư đã từng làm việc dưới tầng hầm ngôi biệt thự giữa những ngày bom B52 của Mỹ rải thảm Thủ Đô. Cách đây hai năm, ông Dư đã cho đập ngôi biệt thự, rồi xây tòa nhà này. Nghe nói chi phí hết hơn hai chục tỷ đồng, nhưng chất lượng không tốt lắm, vì bị rút ruột chia chác nhau, trong đó ông Dư “ăn” phần lớn.

- Chào nhà báo nổi tiếng! - Ông Dư chào tôi khi từ thang máy bước ra, rồi chìa bàn tay múp míp cho tôi bắt. Ông mặc comple màu sữa, thắt cà-vạt đỏ tươi. Nhìn khuôn mặt bầu bầu và mái tóc mới nhuộm đen nhánh đố ai biết ông đã bước sang tuổi năm mươi chín.

Người lái xe của ông Dư cũng ăn mặc tươm tất. Anh ta tên Hà, đồng hương với vợ ông Dư. Nhờ phục vụ sếp tận tình, lại là đồng hương với vợ sếp nên Hà đã được đề bạt thêm chức phó phòng hành chính.

- Thưa sếp, đi được chưa ạ?

Hà khúm núm hỏi sếp. Ông Dư xem đồng hồ thấy ba giờ kém mười phút, gật đầu. Một qui định bắt buộc do vợ ông Dư đặt ra là đi kém về hơn. Hằng ngày ông Dư đến cơ quan cũng như những chuyến đi công tác, đều xuất phát lúc kém, về lúc hơn. Hai ngày trước vợ ông Dư và cậu con trai về quê trước để chuẩn bị buổi lễ khánh thành cầu, họ cũng khởi hành lúc ba giờ kém mười...

Hà xách chiếc Sam-so-nai của ông Dư để vào cốp rồi mở cửa xe cho sếp. Dư chỉ chiếc ghế cạnh tài xế cho tôi. Có lẽ Dư sợ tôi không hiểu qui cũ nên làm như vậy. Thực ra tôi cũng biết sự sắp xếp thứ bậc trên dưới trong chiếc xe loại VIP này. Ghế phía sau người lái là chỗ ngồi của sếp, không ai được đặt đít ngồi ké...

Chiếc xe ra khỏi Hà Nội và lướt êm trên quốc lộ số một. Đang giữa mùa đông lạnh khủng khiếp. Ngồi trong xe nhìn ra, dưới bầu trời xám ngắt, những dáng người liêu xiêu mờ mịt trong mưa phùn gió bấc.

Chiếc xe Mercedes 500 ấm áp và êm ái rộng thênh thang, chỉ có ba người. Ông Dư ngả đầu vào ghế da mơ màng nghe tiếng nhạc du dương. Tôi cảm thấy thương hại anh quay phim, giờ này đang chen chúc trong xe đò hoặc tự lái xe máy giữa mưa rét. Anh ta cũng đã biết ông Dư, chẳng bao giờ cho ai địa vị thấp kém đi nhờ xe. Nói chung, ông ta chẳng thân thiện và muốn giúp đỡ ai bao giờ. Có chăng chỉ là đóng kịch để phục vụ cho lợi ích của ông ta thôi. Ngay từ hồi Dư còn rất trẻ, đã là một con người khôn ngoan, ích kỷ và tàn nhẫn. Lúc mới về công ty, Dư tỏ ra rất hiền lành, chăm chỉ và tìm mọi cách lấy lòng ông Tổng giám đốc Đinh. Nhờ vậy Dư được xếp vào diện cơ cấu cán bộ lãnh đạo, được đề bạt rất nhanh. Nhưng mới nhận chức Tổng giám đốc thay ông Đinh buổi sáng, buổi chiều Dư đã mời ông già khốn khổ ấy ra khỏi căn phòng mà ông tự nguyện nhường cho Dư. Còn một việc tàn nhẫn và thực dụng hơn mà Dư đã làm lúc còn trẻ: Dư yêu cô gái đồng hương, là sinh viên đại học. Cô gái xinh xắn, hiền lành, thông minh và yêu Dư chân thành. Hai người đã chuẩn bị làm lễ cưới. Nhưng trong một chuyến công tác ở Kiên Giang, tình cờ Dư gặp Trù, một cô gái dong dỏng cao, có đôi mắt sắc sảo, xinh đẹp hơn người yêu Dư và đang là một nhân viên hải quan có tiền. Thế là chỉ sau một tuần tìm hiểu, Dư đã cùng Trù ra Hà Nội tổ chức đám cưới. Cô người yêu cũ toan tự tử, Dư quỳ xuống xin cô tha thứ. Cô sinh viên bỏ về quê mang theo cái thai, kết quả của mối tình đầu. Cô không tiếc và không muốn nhìn mặt một kẻ tính toán thực dụng đầy ích kỷ.

Tất nhiên đó không phải là chuyện bê bối duy nhất của ông Dư. Những vi-la, biệt thự, trang trại và của cải mà Dư có từ khi làm Tổng giám đốc công ty Ánh Dương đã nói lên điều đó.

Hà châm thuốc hút và mở cửa kính phía trước, ông Dư làu bàu:

- Đóng cửa lại! Không thấy lạnh à?

Vừa nói Dư vừa lấy dầu gió xoa bụng, xoa ngực. Tôi cố nín cười vì thói quen kiêng kỵ quá đáng của Dư. Sợ nắng sợ gió còn hơn các cô tiểu thư. Lúc nào cũng kè kè đủ thứ thuốc. Chả trách có lần Phó tổng giám đốc Ngọc đã nói: “Tay Dư muốn sống trăm tuổi và dứt khoát không chịu về hưu sáu mươi tuổi. Hắn muốn húp nước cả cặn!” Có lẽ Ngọc nói đúng vì Dư đang chạy chiếc ghế Phó chủ tịch Hội TỪ THIỆN - một tổ chức phi chính phủ có tiếng, có miếng, lại có thể ngồi đến già. Dư đã mua mấy cái giải thưởng để lấy tiếng. Và việc hôm nay về quê cắt băng khánh thành chiếc cầu cũng không ngoài mục đích đó.

Trời sập tối. Mưa mỗi lúc một dày hạt. Con đường nhợp nhòa mờ mịt trước ánh đèn pha sũng nước. Bà Dư gọi điện thoại hỏi chồng đã tới đâu? Ông Dư trả lời:

- Anh đã qua thành phố Vinh. Thằng Xuân nhà mình có đó không?

- Nó đi chơi với bạn rồi.

Ông Dư cúp máy, khoe với tôi:

- Thằng Xuân con tôi sau kỳ nghỉ này sẽ quay lại Luân Đôn bảo vệ luận án tiến sĩ đấy.

- Thế à!

- Nó rất thông minh và có bản lĩnh...

- Vâng.

- Con gái ông thứ trưởng Màu rất yêu nó.

- Thế ư? Tôi biết cô bé ấy rất đẹp và ông thứ trưởng Màu rất giàu. Tương lai ông ta sẽ lên bộ trưởng.

- Đúng vậy!

Bỗng phía trước thấp thoáng bóng người. Hà hãm xe lại. Một người đàn ông đứng giữa đường, vẫy tay rối rít. Tôi bấm kính xuống, hỏi:

- Chuyện gì vậy bác?

Người đi đường áp gương mặt ướt sũng vào cửa xe. Đó là một ông già ốm nhom đang run lên bần bật:

- Có người bị tai nạn, xin quý ông chở giúp vô bệnh viện cấp cứu.

- Bác kiếm xe khác. - Hà từ chối.

- Trời mưa rét, không có xe...
 
- Đợi một chút sẽ có xe!

- Không đợi được nữa mô. Không cầm máu kịp, anh ta chết mất.

Dù đã biết tính ông Dư, nhưng trong tình huống hiểm nghèo của người bị tai nạn giữa đêm mưa rét, đường vắng, tôi năn nỉ ông Dư:
 
- Giúp người ta một chút anh Dư?
 
- Không được! - Ông Dư dứt khoát.
 
Chiếc xe vọt đi bỏ lại ông già chới với...
 
Gần một giờ sau chúng tôi về đến làng Cẩm, quê ông Dư. Dù mưa gió, rét mướt họ hàng, cán bộ địa phương cùng dân làng vẫn tập trung đón ông Dư. Nhưng ông có vẻ không vui vì vắng mặt cậu con trai yêu. Ông càng sốt ruột hơn khi gọi điện thoại di động cho con không có tín hiệu trả lời.

- Nó đi đâu bằng xe gì? Đến nhà ai? - Ông Dư sẵng giọng hạch hỏi vợ.

- Bằng xe Honda. Đi Vinh!

- Sao không đi ôtô?

- Nó thích thế! Mà sao anh lại quát nhỉ? - Vợ Dư đanh mặt.

Một nửa sự nghiệp của Dư do người đàn bà này tạo nên. Từ miếng ăn, giấc ngủ và giờ giấc đi lại của Dư cũng do bà ta chỉ đạo. Trước mặt vợ, Dư luôn dịu dàng, nín thinh, dù thực tế chỉ là diễn kịch. Ông ta ra lệnh cho Hà chạy xe hơi ra Vinh tìm đón con trai.

Hà đi được lúc lâu gọi điện về, báo tin cậu con trai ông bà Dư bị tai nạn giao thông. Bà Dư ngất xỉu.

Không còn thời gian và phương tiện để lựa chọn, anh quay phim sốt sắng lấy chiếc honda chở ông Dư và tôi đến bệnh viện. Cậu con trai ông Dư lên thành phố Vinh chơi bằng xe honda, được tin bố về quê, anh ta vội phóng xe về đón bố. Vì trời tối, mưa rét nên lao xe xuống vực...

Trước phòng cấp cứu tôi nhìn thấy ông già vẫy tay chặn xe chúng tôi xin đi nhờ mấy giờ trước. Ông chỉ là người tình cờ qua đường gặp người thanh niên rơi xuống vực. Ông già cũng nhận ra chúng tôi, những kẻ đã từ chối không cho ông đưa người bị nạn lên xe. Ông nói với chúng tôi, giọng buồn buồn:

- Cậu ấy chết do mất nhiều máu! Giá lúc ấy các ông cho đi nhờ... đâu đến nỗi!

Ông Dư bước đi loạng choạng, rồi ông ngã dúi vào chiếc xe Mercedes bóng loáng đậu cạnh bức tường bệnh viện. Da ông nhợt nhạt, lưng còng hẳn xuống và mặt xọm đi, như ông lão tám mươi. Ông ôm mặt rú lên khủng khiếp:

- Con ơi!!!...

Tôi đỡ ông Du vào xe. Ông run rẩy...

Đêm lạnh buốt... 

Sponsor